Thursday 24 February 2011

Nguy hiem tu tat... nghien rang

Số lượt xem: 190
Gửi lúc 12:12' 28/05/2009

Nguy hiểm từ tật... nghiến răng

Nghiến răng là một loại rối loạn giấc ngủ giống như nói mê và ngáy. Tuy nhiên, nguy hiểm của nghiến răng là nếu để lâu ngày không điều trị sẽ khiến hàm răng bị mòn, ê buốt, đau đầu, những nguyên nhân gây già trước tuổi do kích thước tầng dưới của mặt bị giảm...
Nghiến răng là một loại rối loạn giấc ngủ giống như nói mê và ngáy. Tuy nhiên, nguy hiểm của nghiến răng là nếu để lâu ngày không điều trị sẽ khiến hàm răng bị mòn, ê buốt, đau đầu, những nguyên nhân gây già trước tuổi do kích thước tầng dưới của mặt bị giảm...




 
Ngại lập gia đình vì nghiến răng
 
Đó là trường hợp của anh Nguyễn Đức Mạnh (Mỹ Đình - Hà Nội). Anh Mạnh có tật nghiến răng từ nhỏ, nhưng không được gia đình lưu tâm chữa trị vì cho rằng nghiến răng cũng giống như nói mê, ngáy ngủ, không ảnh hưởng gì. Bản thân anh Mạnh cũng không biết mình bị tật nghiến răng. Sự thật chỉ được biết đến khi cô vợ tương lai cương quyết từ hôn vì... sợ tiếng nghiến răng ken két, mà cô vô tình phát hiện khi anh đến nhà cô uống rượu say và ngủ lại đây.
 
Để kiểm chứng thông tin, anh Mạnh đến nhà một cậu bạn thân và nhờ anh này lúc nào thấy anh Mạnh nghiến răng thì dùng máy quay ghi lại hình ảnh đó. Sau khi xem xong đoạn phim, chính anh Mạnh cũng không thể ngờ trong lúc ngủ mình lại nghiến răng dữ tợn đến thế. Ngoài tiếng kèn kẹt, kèn kẹt đến đau tai, hàm dưới của anh còn bạnh ra và trẹo lên trẹo xuống trông rất dữ tướng. Từ đó, anh Mạnh ngại tiếp xúc với phái nữ.
Giống như anh Mạnh, chị Đặng Thị Phương Anh (Cai Lậy, Tiền Giang) cũng ngại lập gia đình vì tật nghiến răng khi ngủ. Chị đã từng rất đau khổ vì ngay từ khi còn là sinh viên, các bạn học trọ cùng  lần lượt bỏ đi tìm nhà trọ khác, vì họ thường xuyên bị đánh thức bởi tiếng nghiến răng trèo trẹo của chị trong đêm. Đến giờ, khi đã có công việc ổn định, cuộc sống khá giả, nhiều chàng trai cùng công ty để ý, nhưng chị Phương Anh vẫn ngại không dám tiến tới hôn nhân vì sợ bạn tình lại bỏ đi giống như bạn học khi xưa.
 
Nghiến răng sinh bệnh tật
 
Theo các bác sỹ nha khoa, nghiến răng là một chứng rối loạn giấc ngủ đứng sau nói mê và ngáy. Phần lớn bệnh này là do nguyên nhân tâm sinh lý hay giải phẫu học như khớp cắn (giữa răng hàm trên và răng hàm dưới) bị lệch, hoặc do lo âu, căng thẳng, bị kích động hay xúc cảm quá mức.
 
Nghiến răng thường xảy ra ở những người có tính cách mạnh, hiếu động, hoặc không cân bằng, hoặc do sự thoái hoá của hệ thần kinh trung ương. Một số người sử dụng thuốc điều trị trầm cảm, các thuốc về tâm thần cũng có thể gây chứng nghiến răng. Nghiến răng sẽ tăng nặng nếu người bị bệnh có thói quen sử dụng rượu, thuốc lá hay cà phê.
 
Ở trẻ em, chứng nghiến răng hay gặp ở những trẻ dưới 7 tuổi. Thời gian này, trẻ đang trong giai đoạn phát triển răng và xương nên thường gây ngứa ở vùng nướu khiến bé nghiến răng một cách miễn cưỡng. Thông thường, trẻ sẽ hết nghiến răng vào lứa tuổi 13 - 14.
 
BS Phạm Thanh Sơn, Trung tâm  Tai - Mũi -  Họng, Bệnh viện Phương Đông (TP HCM) cho biết, chứng nghiến răng sẽ làm tổn thương răng, mòn men răng, dễ bị sâu răng. Ngoài ra, nghiến răng còn khiến nhức đầu mãn tính, đau mặt, rối loạn khớp thái dương hàm và thay đổi khớp cắn.
 
BS Nguyễn Thị Kim Anh, Đại học Y Dược TP HCM cho rằng, không những răng mòn do nghiến răng, hàm răng còn bị mất hết lớp men lộ ra lớp ngà vàng, bị ê buốt, nứt gãy các múi răng, bị lung lay hoặc rụng. Nếu kéo dài, có thể làm hư hỏng các phục hồi nha khoa như làm gãy, sứt miếng hàn, gãy các hàm giả cố định hoặc không cố định.
 
Cũng theo BS Kim Anh, do các cơ hàm bị co thắt trong suốt thời gian nghiến, nên người bệnh có thể bị mỏi, đau các cơ, đau đầu, cổ. Nếu nghiến răng kéo dài, các cơ hoạt động quá mức có thể bị phì đại khiến khuôn mặt mất cân xứng hoặc có dạng vuông do phì đại cơ cắn ở cả hai bên, làm giảm kích thước tầng dưới mặt, làm bệnh nhân trông già hơn.
 
Để đối phó với tật nghiến răng, BS Kim Anh cho rằng nên sử dụng máng nhai khi ngủ. Dụng cụ này có tác dụng ngăn ngừa sự phá hại răng, làm giảm tình trạng đau cơ và khớp thái dương, hàm. Ngoài ra, nếu nghiến răng do khớp cắn, thì có thể áp dụng kỹ thuật mài để điều chỉnh loại bỏ các vướng cộm khớp cắn. Đồng quan điểm, BS Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, việc đeo máng nhai sẽ giúp ngăn chặn sự phá hại răng đối với những người bị tật nghiến răng do cấu tạo răng và xương hàm.

Ngọc Hoàn
Nguồn tin: Gia đình và xã hội

Bản gốc: Sức khỏe số - Nguy hiểm từ tật... nghiến răng

No comments:

Post a Comment