Saturday 26 February 2011

Viem hong tai dien - tiem an benh thap tim

Số lượt xem: 626
Gửi lúc 13:16' 20/04/2009

Viêm họng tái diễn - tiềm ẩn bệnh thấp tim

Thấp tim là bệnh thường gặp ở trẻ từ 5 đến 15 tuổi, xảy ra sau khi bị viêm họng do một loại vi trùng gọi là liên cầu khuẩn.
Thấp tim là bệnh thường gặp ở trẻ từ 5 đến 15 tuổi, xảy ra sau khi bị viêm họng do một loại vi trùng gọi là liên cầu khuẩn.






 Bệnh có thể gây suy tim, phù phổi trong giai đoạn cấp dẫn tới tử vong. Bệnh tuy phổ biến nhưng biểu hiện lâm sàng nghèo nàn nên dễ bị bỏ qua và ít được chú ý. Đây là nguyên nhân của tuyệt đại đa số các bệnh van tim mắc phải ở tuổi trưởng thành.

 
Gặp em Phạm Ngọc Sang (Sơn Kim, Hương Sơn, Hà Tĩnh) tại bệnh viện Tim Hà Nội, chúng tôi không thể tin được em đã 16 tuổi. Trông em gầy gò, đôi mắt trũng sâu mệt mỏi, những ngón tay gầy quắt, hai chân phù thũng… Chị Trần Thị Xuân, mẹ Sang ngân ngấn nước mắt kể: Khi học mẫu giáo Sang bụ bẫm, khoẻ mạnh từng được các cô chọn đi thi bé khoẻ. Lên cấp 1, cháu hay ho sốt. Mỗi lần như thế, tôi lại đem con đến trạm xá khám và mua thuốc kháng sinh, hạ sốt cho con uống. Chỉ đến năm lớp 7, sau buổi chiều đi học về cháu kêu mệt, đau tức ngực, chúng tôi mới đem con đến bệnh viện tỉnh thì được biết cháu bị thấp tim và gia đình chuyển cháu lên bệnh viện Việt Đức. Tại đây, các bác sĩ kết luận, cháu đã bị hở van hai lá.

Ths. Bs Vũ Quỳnh Nga (Phó khoa Điều trị, bệnh viện Tim Hà Nội) cho biết, Khoa Điều trị từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân do tiền thấp tim không rõ ràng nên khi đến viện thì đã có di chứng ở van tim và gây suy tim. Cháu Sang ở Hà Tĩnh mới nhập viện là một ví dụ. BS Nga giải thích: Bệnh thấp tim có hai dạng biểu hiện điển hình và không điển hình. Trong các trường hợp điển hình, triệu chứng khá rầm rộ là trẻ sốt cao, sưng đau khớp có tính chất di chuyển, thường là các khớp lớn như cổ chân, cổ tay, đầu gối, khớp khuỷ... rất ít khi ở các khớp nhỏ. Khớp sưng đau, nóng, đỏ và thường di chuyển. Bệnh thường tự hết sau vài ngày dù không được điều trị. Một số trẻ đến viện với các biểu hiện suy tim cấp: mệt, da xanh tái, khó thở, phù, đái ít... Điều đáng nói là phần lớn các trường hợp biểu hiện không điển hình với tình trạng viêm họng tái diễn nhiều lần, các biểu hiện khớp mơ hồ, viêm tim nhẹ nên đã bị bỏ qua. Khi được phát hiện, bệnh đã gây nhiều di chứng van tim nặng nề ở tuổi trưởng thành (hẹp hở van hai lá, hẹp hở van động mạch chủ...).


Trước thực trạng nhiều trẻ bị bệnh thấp tim mà không được phát hiện, Ths. Bs Vũ Quỳnh Nga cho rằng: Thấp tim là bệnh có thể tái phát, điều nguy hiểm là hay để lại di chứng van tim hậu thấp. Tần suất tái phát nhiều tỷ lệ thuận với di chứng van tim càng nặng nề, lâu ngày sẽ dẫn đến suy tim và tàn phế. Vì thế, trẻ viêm họng nên đi khám bác sĩ để được uống đúng thuốc kháng sinh và đủ thời gian. Ngoài ra, cần vệ sinh răng miệng, súc họng sạch sẽ và phát hiện sớm , điều trị kịp thời các trường hợp viêm họng liên cầu cũng như việc điều trị dự phòng thấp tim đều đặn thì hoàn toàn có thể phòng tránh mắc bệnh thấp tim và tránh tái phát.


Đối với những trẻ đã xác định bị thấp tim thì phải được bác sĩ chuyên khoa tim mạch điều trị, theo dõi thường xuyên. Trẻ bắt buộc phải tái khám định kỳ 4 tuần/lần để được tiêm hoặc uống thuốc phòng tái phát bệnh. Thời gian tiêm phòng tối thiểu là 5 năm. Bữa ăn cho trẻ bị thấp tim tuyệt đối không nêm muối, nước mắm, hay nước tương. Một điều đáng lưu ý là gia đình phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ khi cho trẻ uống các thuốc chống viêm và điều trị suy tim, không tự động ngưng, tăng hoặc giảm liều thuốc, vì như thế bệnh có thể nặng lên hoặc rất nguy hiểm cho trẻ. 


Ngọc Hoàn
Nguồn tin: Lao động thủ đô

Bản gốc: Sức khỏe số - Viêm họng tái diễn - tiềm ẩn bệnh thấp tim

No comments:

Post a Comment