Sunday 27 February 2011

Benh glaucoma co the dan den mu loa

Số lượt xem: 235
Gửi lúc 09:32' 15/04/2009

Bệnh glaucoma có thể dẫn đến mù lòa

Hầu hết người mắc bệnh này không có triệu chứng gì rõ rệt cho đến khi họ bắt đầu nhìn thấy mờ. Glaucoma rất dễ gây mù lòa do phần lớn bệnh nhân không được phát hiện và điều trị sớm.

Hầu hết người mắc bệnh này không có triệu chứng gì rõ rệt cho đến khi họ bắt đầu nhìn thấy mờ. Glaucoma rất dễ gây mù lòa do phần lớn bệnh nhân không được phát hiện và điều trị sớm.



Bác sĩ Trần Thị Phương Thu, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM, cho biết, glaucoma (cườm nước) xuất hiện do áp lực nội nhãn tăng cao, chèn ép và làm tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến tình trạng mất dần thị trường. Glaucoma có thể xảy ra nguyên phát hay sau một bệnh lý toàn thân hoặc tại mắt, nhất là sau khi dùng các thuốc có nguy cơ gây tăng nhãn áp.

Glaucoma nguyên phát bao gồm glaucoma góc đóng và glaucoma góc mở. Loại góc mở có triệu chứng âm ỉ, khó nhận biết và thường ở cả hai mắt; phần lớn trường hợp được phát hiện một cách tình cờ. Glaucoma góc đóng có triệu chứng ồn ào, rầm rộ: đau nhức mắt, nhìn mờ, quầng xanh đỏ, nhức nửa đầu bên mắt bị đau.

Tất cả mọi người đều có thể bị glaucoma. Những người có nguy cơ cao gồm: người trên 40 tuổi, bệnh nhân tiểu đường hay cao huyết áp, người có tiền căn gia đình đã mắc glaucoma góc đóng hay góc mở, bệnh nhân viễn thị, giác mạc (tròng đen) nhỏ, người có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid trong thời gian dài, cận thị nặng, có tiền căn chấn thương hay phẫu thuật mắt.

Nhiều trường hợp glaucoma không được điều trị kịp thời dẫn đến mù lòa do không phát hiện sớm, bệnh nhân lầm tưởng với cườm khô (đục thủy tinh thể) hoặc mờ do cận thị (ở người lớn tuổi). Có người bị thu hẹp thị trường từ từ nên không biết. Các nguyên nhân gây mù khác là không đi tái khám sau phẫu thuật, không tuân thủ phác đồ điều trị, thất bại trong điều trị, bệnh đã ở giai đoạn cuối...

Yếu tố quan trọng nhất để điều trị glaucoma hiệu quả là chẩn đoán sớm, điều trị lâu dài và được bác sĩ chuyên khoa mắt theo dõi chặt chẽ. Điều này sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát được áp lực nội nhãn và ngăn ngừa sự tổn hại thị trường. Bệnh nhân phải dùng thuốc nhỏ mắt hằng ngày theo đơn của bác sĩ chuyên khoa mắt. Với bệnh glaucoma góc đóng, thủ thuật cắt mống chu biên bằng laser YAG rất hiệu quả đối với trường hợp phát hiện sớm.

Biện pháp phẫu thuật được áp dụng trong trường hợp glaucoma điều trị bằng thuốc và laser không hiệu quả nhằm cứu vãn thị lực và thị trường cho bệnh nhân.

 Thúy Ngân

Nguồn tin: Theo Tuổi Trẻ

Bản gốc: Sức khỏe số - Bệnh glaucoma có thể dẫn đến mù lòa

No comments:

Post a Comment