Tuesday 1 March 2011

Ha Noi bung phat chung ho dai dang o nguoi lon

Số lượt xem: 224
Gửi lúc 11:50' 25/03/2009

Hà Nội bùng phát chứng ho dai dẳng ở người lớn

Vấn đề hô hấp tại Hà Nội tăng vọt trong tuần qua, chủ yếu là người lớn. Nguyên nhân là viêm tiểu phế quản, cảm cúm do nhiễm virus, nhiễm khuẩn, nhiều trường hợp ho không rõ nguyên nhân.

Vấn đề hô hấp tại Hà Nội tăng vọt trong tuần qua, chủ yếu là người lớn. Nguyên nhân là viêm tiểu phế quản, cảm cúm do nhiễm virus, nhiễm khuẩn, nhiều trường hợp ho không rõ nguyên nhân.

 

Nhà chị Nguyễn Thu Hằng (Vĩnh Tuy, Hà Nội) có bốn người lớn thì hai người bị ho cả chục ngày nay chưa khỏi. Văn phòng của chị cũng có mấy đồng nghiệp mắc chứng này.


Người đầu tiên trong nhà bị ho là chồng Hằng, sau đó đến Hằng và bà giúp việc. Ngậm Strepsin mấy ngày thấy họng càng đau rát, ho dữ dội hơn, Hằng đi khám và được kê kháng sinh cùng một số thuốc khác. Uống thuốc bốn ngày, thấy bệnh không đỡ, chị đi khám ở chỗ khác. Lần này, bác sĩ chỉ định tiêm kháng sinh. Cần mẫn đi tiêm đến ngày thứ năm, đến nay chị vẫn chưa hết ho. Những người khác trong nhà chỉ uống thuốc bổ phế, và đến nay cũng chưa khỏi bệnh.

 

Văn phòng của Hằng (thuộc một công ty đóng trên đường Tây Sơn, quận Đống Đa) có 12 người thì 5 người cũng ho dai dẳng, và trong gia đình họ cũng có một vài người mắc triệu chứng tương tự.


Các bệnh viện lớn ở Hà Nội những ngày qua cũng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân người lớn đến khám vì ho. Thạc sĩ Đào Huy Tần, khoa Tai mũi họng, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, cho biết, số bệnh nhân đến khám do vấn đề hô hấp tăng vọt trong tuần qua, chủ yếu là người lớn. Nguyên nhân hay gặp nhất là viêm tiểu phế quản, cảm cúm kéo dài do nhiễm virus hoặc nhiễm khuẩn, nhiều trường hợp ho dai dẳng không rõ nguyên nhân.


 

Nhiều ông bố bà mẹ đưa con tới khám tại viện Nhi đồng thời khám luôn cho mình.

Ảnh: Trung Kiên.


Ngay cả ở Bệnh viện Nhi Trung ương cũng có những người lớn tranh thủ xin bác sĩ tư vấn cho chứng ho của mình khi mang con đi khám, trong đó, có chị Hồng Minh, trú ở khu Định Công. Chị vừa ôm đứa con hai tuổi sốt cao, thở khò khè trong tay, vừa ho khù khụ không ngớt, nói không ra tiếng.


Chị Minh bắt đầu thấy rát họng, hắt hơi, sổ mũi từ ba tuần trước, đã uống kháng sinh nhưng càng ho nặng thêm, kèm theo đờm sệt, thậm chí ho ra máu, sốt đêm. Đến nay, chị Minh đã uống hết ba đơn thuốc kháng sinh mà bệnh vẫn không giảm. Bác sĩ kết luận chị bị cúm, do để quá lâu nên virus đã thâm nhập sâu, dẫn đến viêm tiểu phế quản. Con gái chị bị viêm phổi virus, đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương bốn lần, đã tiêm tĩnh mạch và uống thuốc nhưng vẫn không khả quan. Chồng và con trai lớn của chị cũng ho mấy tuần nay.

 

Thủ phạm là virus cúm và phế cầu khuẩn


Theo bác sĩ Đào Thị Ngân, khoa Hô hấp, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, hiện tượng nhiều người trong gia đình hay cơ quan đồng loạt bị ho có thể do nhiễm cúm, loại virus cư trú trong niêm mạc đường hô hấp và rất dễ lây lan qua giao tiếp, như khi nói chuyện, hắt hơi, ăn uống cùng nhau. Nguyên nhân khiến chứng ho này phổ biến những ngày gần đây là thời tiết thay đổi bất thường, tạo cơ hội cho virus cúm phát triển và lây lan.

 

Thạc sĩ Đào Huy Tần cũng cho rằng, thủ phạm gây bệnh hô hấp hàng loạt hiện nay là virus cúm, ngoài ra còn có  khuẩn phế cầu (chủ yếu gặp ở người già và trẻ nhỏ), nhiều trường hợp ho khan kéo dài là do kích ứng với thời tiết. Sau đợt lạnh, Hà Nội đột ngột chuyển sang nóng như mùa hè, kèm theo sương sớm và ẩm ướt do trời nồm khiến virus cúm và phế cầu khuẩn sinh sôi nảy nở. Môi trường đông đúc, ngột ngạt, ô nhiễm... cũng là cơ hội cho phế cầu khuẩn hoành hành. Loại vi khuẩn này thường cư trú trong mũi, rất dễ lây lan qua giao tiếp giống như virus và không "kén người", ai cũng có thể nhiễm.

 

Phế cầu khuẩn là tác nhân chính gây viêm phổi. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở người già, trẻ nhỏ và những người có tiền sử về bệnh tim phổi, người nghiện bia, rượu, thuốc lá… Triệu chứng bệnh do phế cầu khuẩn là ho nhiều kèm theo đờm đặc, sốt cao, nặng hơn là đau ngực, khó thở. Trẻ nhỏ không được chữa trị kịp thời có thể bị viêm tai cấp, tử vong...

 

Ho mãi không khỏi vì điều trị sai


Giải thích về tình trạng ho kéo dài, bác sĩ Ngân cho rằng, thông thường người bệnh thường rất chủ quan với chứng cúm, đặc biệt là người lớn. Do đó, họ cứ để mặc, khi ho quá nhiều thì mua thuốc kháng sinh tự điều trị. Cảm cúm thông thường sẽ tự khỏi sau vài ngày. Nhưng nếu bệnh kéo dài và điều trị không đúng cách thì sẽ dẫn đến các biến chứng, trong đó có ho dai dẳng, khó chữa.

 

Thạc sĩ Tần khuyến cáo, khi bị ho cảm, không nên dùng kháng sinh mà vệ sinh đường hô hấp bằng cách súc họng thường xuyên với nước muối, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý. Ngoài ra, cần hạn chế bia, rượu, thuốc lá, giữ ấm cho cơ thể. Sau 3 - 4 ngày nếu không đỡ, nên đi khám thay vì tự mua thuốc uống, cũng không nên để mặc, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập sâu trong cơ thể, gây nguy hiểm.

 

Để phòng bệnh, ngoài việc giữ sức khỏe, tăng đề kháng, nên hạn chế tiếp xúc quá gần với những người bị bệnh, nhớ đeo khẩu trang khi đi đường.


Hồng Nhung

Nguồn tin: Theo Đất Việt

Bản gốc: Sức khỏe số - Hà Nội bùng phát chứng ho dai dẳng ở người lớn

No comments:

Post a Comment