Wednesday 9 February 2011

Phat hien som benh gian phe quan

Số lượt xem: 53
Gửi lúc 16:28' 20/12/2010

Phát hiện sớm bệnh giãn phế quản

Giãn phế quản là tổn thương giãn các phế quản nhỏ và trung bình không hồi phục. Đồng thời có sự loạn dạng các lớp phế quản, phế quản tiết nhiều dịch và thường bị nhiễm khuẩn định kỳ. Phát hiện bệnh sớm có thể tránh được các biến chứng nặng hoặc tử vong.

Vì sao bị giãn phế quản? 

Bệnh giãn phế quản do bẩm sinh hoặc mắc phải, nam giới mắc bệnh nhiều gấp 4 lần nữ giới. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh giãn phế quản: với thể bệnh khu trú, nguyên nhân gây bệnh là khối u lành hay ác tính, dị vật, bị bệnh lao sơ nhiễm tiến triển hay trên di chứng canxi hóa, áp-xe phổi…; Thể bệnh lan tỏa, di chứng của các bệnh phế quản phổi cấp nặng lúc nhỏ, trong đó sởi và ho gà là 2 bệnh thường gặp nhất, nhiễm siêu vi nặng do arbovirus là những nguyên nhân gây giãn phế quản. Nguyên nhân bẩm sinh: bệnh đa kén phổi hay phối hợp với đa kén thận, tụy và gan; suy giảm miễn dịch dịch thể và suy giảm miễn dịch tế bào.

Ngón tay hình dùi trống và ho khạc nhiều - Chớ chủ quan!   

Bệnh nhân bị giãn phế quản thường có các biểu hiện sau: khạc đờm, 80% trường hợp giãn phế quản bệnh nhân có khạc đờm với đặc điểm: khạc nhiều nhất vào buổi sáng hoặc đều trong ngày, số lượng nhiều (khoảng từ 20 -100 ml/ngày), tăng lên trong đợt cấp, song có khi lại gặp bệnh nhân giãn phế quản ở thể khô, không khạc đờm, đờm có mùi thạch cao, có khi có mùi hôi, nếu để lắng sẽ có 4 lớp từ trên xuống dưới là: đờm bọt, đờm thành dịch nhầy trong, đờm mũi nhầy, đờm mủ đặc. Ho là triệu chứng kèm theo lúc khạc đờm. Ho ra máu gặp khoảng 8% trường hợp, tia máu màu đỏ khi đang có đợt viêm hay ho ra máu với số lượng nhiều, màu đỏ chói nếu bị biến chứng chảy máu. Khó thở là triệu chứng ít gặp. Tuy nhiên, một số bệnh nhân giãn phế quản được chẩn đoán ở giai đoạn suy hô hấp mạn. Viêm phế quản, phổi cấp tái phát nhiều lần với các triệu chứng sốt 38 - 38,5°C, vị trí nhiễm khuẩn cố định ở các đợt viêm, tổng trạng của bệnh nhân thường không thay đổi. Tràn dịch màng phổi. Nghe phổi có thể thấy ran ngáy, ran rít, ran ẩm to hạt. Nếu bội nhiễm có thể nghe được ran nổ khô hay ran nổ ướt nhỏ hạt hay hội chứng tràn dịch màng phổi. Bệnh nhân có ngón tay hình dùi trống. Hai biến chứng nặng là suy hô hấp mạn và tâm phế mạn. Xét nghiệm đờm thấy có nhiều tế bào biểu mô phế quản, nhiều bạch cầu đa nhân trung tính thoái hóa và chất nhầy, không có sợi đàn hồi. Xét nghiệm vi khuẩn hay gặp nhất là Hemophilus influenza và phế cầu, vi khuẩn gram âm: Pseudomonas aeruginosa, một số vi khuẩn kị khí, vi khuẩn lao. Chụp phổi thấy: hình mờ dạng lưới đi từ rốn đến cơ hoành, hình mờ ở thùy giữa và thùy dưới phổi, hình ảnh "hoa hồng nhỏ" giống như những kén khí chồng lên nhau, hình ảnh mức nước khí. Đo chức năng hô hấp thấy có sự kết hợp cả hai hội chứng hạn chế và tắc nghẽn.

 Tiêu bản tổn thương giãn phế quản.

Biến chứng thường gặp

Bệnh nhân bị giãn phế quản nhẹ thì các đợt bội nhiễm xảy ra không thường xuyên, bệnh chỉ giới hạn một vùng, không lan ra chủ mô phổi, không bị suy hô hấp. Trái lại ở thể nặng, các đợt nhiễm khuẩn xảy ra thường xuyên, phải sử dụng kháng sinh điều trị, sau nhiều năm tiến triển sẽ xuất hiện suy hô hấp mạn và tâm phế mạn.

Biến chứng thường gặp là viêm phổi thùy, phế quản phế viêm, áp-xe phổi, tràn dịch màng phổi, lao phổi, áp-xe não, bệnh xương khớp phì đại do phổi, hay gặp biến chứng ho ra máu, có thể đờm dính máu hoặc nặng hơn là ho ra toàn máu, số lượng nhiều.

Phương pháp điều trị  

Điều trị trong những đợt nhiễm khuẩn phế quản, phổi như phế viêm hay áp-xe phổi. Dẫn lưu tư thế là một thủ thuật rất cần thiết, quan trọng và bắt buộc phải làm để tháo mủ ra ngoài, thực hiện 3 lần/ngày, mỗi lần khoảng 10 phút cho bệnh nhân dễ thở. Hướng dẫn bệnh nhân vận động là rất cần thiết để giúp họ có thể khạc đờm ra càng nhiều càng tốt. Sử dụng thuốc kháng sinh điều trị: khi có điều kiện nên cấy đờm và làm kháng sinh đồ để chọn lựa kháng sinh thích hợp. 

Điều trị ho ra máu: nhẹ có thể điều trị bằng adrenoxyl, nếu vượt khả năng điều trị nội khoa thì phải phẫu thuật cầm máu.

Điều trị ngoại khoa: thể khu trú một bên nên phẫu thuật là tốt nhất. Thể có tổn thương hai bên: mổ cắt một hoặc cắt hai bên. 

Phòng bệnh cần điều trị triệt căn các ổ nhiễm khuẩn tai mũi họng bằng kháng sinh. Tiêm vaccin phòng ngừa cảm cúm. Khi bị cảm cúm, nhất là vào mùa thu đông thì phải dùng ngay kháng sinh. Vệ sinh răng miệng và tai mũi họng.

ThS.Phạm Thanh Tùng


Bản gốc: Sức khỏe số - Phát hiện sớm bệnh giãn phế quản

No comments:

Post a Comment