Wednesday 9 February 2011

Dai thao duong va cau chuyen te bao goc

Số lượt xem: 49
Gửi lúc 17:53' 27/12/2010

Đái tháo đường và câu chuyện tế bào gốc

Trong khi chờ đợi khoa học có câu trả lời chính xác về tế bào gốc thì có lẽ điều cần làm ngay bây giờ không phải là nằm đợi đái tháo đường (ĐTĐ) đến để chữa mà là đẩy lùi các yếu tố được cho là nguy cơ của đái tháo đường.

Căn nguyên của mọi căn nguyên

Người ta thấy rằng, ở những người bị ĐTĐ thì nguy cơ tim mạch cao hơn từ 2 - 4 lần so với người bình thường, nguy cơ đột qụy não cao hơn gấp 3 -4 lần so với người bình thường, 73% người ĐTĐ bị tăng huyết áp. Khả năng mù loà ở những bệnh nhân này luôn thường trực. Có đến gần 1/3 người bị bệnh thận do ĐTĐ và có đến hàng nghìn người phải cắt cụt ngón chân cái, cắt cụt bàn chân thậm chí là cẳng chân do bệnh này. Ở mức độ nặng, người bệnh có thể bị hôn mê và tử vong.

Đái tháo đường là tình trạng tăng nồng độ đường trong máu và nước tiểu do thiếu hụt insulin hoặc đề kháng insulin của tụy sản xuất. Thiếu hoặc đề kháng với insulin làm cho đường không thể đi từ máu vào trong tế bào. Bệnh ĐTĐ được biểu hiện bằng 4 dấu hiệu chính: ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều. 4 dấu hiệu này xuất hiện nhiều đến mức đôi khi người ta còn gọi đái tháo đường là bệnh "4 nhiều".

Rắc rối chủ yếu ở đây là đường trong máu. Đường là năng lượng cơ bản của mọi hoạt động sống. Không chỉ có vận động, đi lại ta mới cần tới năng lượng mà ngay khi nghỉ ngơi cũng cần tới năng lượng. Tổng hợp protein cho sinh trưởng, tổng hợp phân tử AND cho quá trình sinh sản, thậm chí ngay cả khi hấp thu chất dinh dưỡng ở trong ruột… tất cả đều cần năng lượng.

Tuy nhiên trong ĐTĐ, đường lại là chìa khoá trung tâm. Đường ở trong máu thì nhiều một cách thừa thãi nhưng lại không thể đi vào trong tế bào do vấn đề insulin, thế nên tế bào lại bị thiếu hụt đường một cách nghiêm trọng. Tế bào bị đói buộc phải quay sang chuyển hoá mỡ và đạm thay thế dẫn tới tăng các thể ceton trong máu. Điều tai hại này là nguyên nhân dẫn đến nhiều rắc rối cơ thể.

 Tế bào beta tuyến tụy tiết ra insulin điều hòa đường huyết.

Bệnh do tổn thương tế bào

Như trên đã nói, ĐTĐ là do thiếu hụt insulin hay đề kháng với loại hormon này của tụy. Vì insulin là một hormon duy nhất trong cơ thể có chức năng làm giảm đường trong máu bằng cách giúp đường đi vào trong tế bào nên không có insulin thì đường không thể lọt vào trong tế bào được. Trong các týp của ĐTĐ thì týp I bị thiếu insulin tuyệt đối. Nguyên nhân chính là do tế bào β tiết insulin ở tụy đảo Langerhans bị tổn thương dẫn tới chết và thiếu hụt tế bào chức năng này.

Trong điều trị ĐTĐ týp I, người ta bắt buộc phải sử dụng insulin tổng hợp bên ngoài thay thế. Biện pháp điều trị này vô cùng bất tiện và gây nhiều biến chứng khó chịu và nhất là phải sử dụng insulin suốt đời. Thế là người ta bắt đầu cuộc hành trình đi tìm giải pháp điều trị vĩnh viễn cho người bệnh ĐTĐ. Đáp án bù vào sự thiếu hụt của tế bào β khởi động cho cuộc hành trình mang tên tế bào gốc bắt đầu.

Tế bào gốc - Giải pháp vĩnh cửu?

Tế bào gốc là một loại tế bào của cơ thể mà chúng có khả năng biệt hoá thành các loại tế bào khác nhau và khác với chúng. Chúng có thể phân chia một cách không giới hạn để đáp ứng nhu cầu cơ thể miễn là cơ thể còn sống sót và sinh tồn.

Các tế bào gốc có ba đặc điểm riêng biệt đặc trưng. Thứ nhất, chúng có khả năng sinh sản và tự đổi mới trong quá trình sinh tồn, kể cả sau một thời gian dài không hoạt động. Thứ hai, chúng là những tế bào không mang tính đặc hiệu mô. Thứ ba, dưới tác động của những yếu tố nhất định, chúng có thể tự biệt hoá thành những tế bào khác nhau nằm trong những vùng khác nhau của cơ thể. Điểm hay của tế bào gốc chính là ở chỗ này. Với đặc tính nó có thể biến đổi thành tế bào khác người ta hy vọng rằng tế bào gốc có thể biệt hoá thành tế bào tụy để bù vào phần tế bào tổn thương vốn không có khả năng tự sửa chữa và tái tạo. Sau một thời gian dài thử nghiệm, người ta đã tiến hành cấy ghép tế bào gốc lên người. Hàng chục bệnh nhân ĐTĐ týp I đã được điều trị thử và bước đầu thành công. Người ta thấy trong 18 tháng những bệnh nhân vốn phụ thuộc hoàn toàn vào insulin nay có thể tạm dừng sử dụng insulin.

 Phục hồi một mô bằng giải pháp tế bào gốc.Ảnh: NIOH

Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại đơn giản ở đó. Cho đến nay, tế bào gốc vẫn mang trong mình nó những điều bí ẩn như những khả năng tiềm tàng mà nó có. Vẫn còn quá nhiều điểm mà người ta còn đang băn khoăn, ví như đâu là yếu tố có tác dụng điều hoà quá trình tăng sinh và biệt hoá để chúng ta có thể kiểm soát được sự sinh sản của tế bào gốc không theo kiểu vô độ giống ung thư. Đâu là giải pháp điều phối được quá trình biệt hoá thành tế bào tụy mà không bị biệt hoá lạc sang một tế bào khác. Đâu là biện pháp giúp tế bào gốc có đủ sức sống sau cấy ghép để chúng tồn tại, không gây hại cho những tế bào lành xung quanh và hoạt động chức năng đầy đủ...

Trong khi chờ đợi khoa học có câu trả lời chính xác thì có lẽ điều cần làm ngay bây giờ không phải là nằm đợi ĐTĐ đến để chữa mà là đẩy lùi các yếu tố được cho là nguy cơ của ĐTĐ. Thực hiện chế độ ăn đủ và đa dạng, duy trì cân nặng hợp lý theo chiều cao và lứa tuổi, chịu bỏ ra 30 phút tập thể dục hàng ngày có lẽ là những biện pháp hiệu quả và lâu dài như giải pháp tế bào gốc. 

BS. Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y)


No comments:

Post a Comment