Friday 18 February 2011

Can thi gia thanh… can thi that

Số lượt xem: 353
Gửi lúc 13:59' 06/05/2009

Cận thị giả thành… cận thị thật

Theo thông tin từ Hội Nhãn khoa Việt Nam, trên thế giới cứ 1 phút có thêm một trẻ em bị mù, tỉ lệ mắc tật khúc xạ ở trẻ em đang tăng nhanh. Tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, tỉ lệ cận thị ở học sinh chiếm trên 20%, còn tại các vùng nông thôn chiếm khoảng 13%. Điều đáng nói là không ít trẻ em bị cận thị giả do khám không chính xác, phải đeo kính cận "oan" đã bị cận thị thật…

Nhiều trẻ bị đeo kính "oan"…


Có mặt tại Khoa Mắt trẻ em - Bệnh viện Mắt Trung ương, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhiều em còn quá nhỏ nhưng đã phải đến khám vì bị nghi cận thị. Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thanh Hòa, ở khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính bức xúc: "5 tháng trước, cậu con trai 4 tuổi của tôi kêu không nhìn rõ nên tôi đưa con đi khám mắt tại một cửa hàng kính thuốc. Sau khi đo mắt xong, một nhân viên tại đây nói con tôi bị cận 0,75 độ và tư vấn tôi mua kính cho cháu. Từ khi đeo kính, độ cận thị của mắt con tôi không ngừng tăng lên.

Tôi đưa con đến Viện mắt Trung ương khám lại thì được bác sỹ ở đây cho biết trước đây con tôi vốn không bị cận thị nhưng do đeo kính cận lâu ngày đã bị cận thị thật". Khi đo kính cho trẻ cận thị, loạn thị thì việc nhỏ thuốc điều tiết mắt để kiểm tra là bắt buộc. Nhưng thực tế hầu hết các cơ sở khám mắt tư nhân đều bỏ qua công đoạn này vì sợ mất thời gian. Do không làm đúng quy trình nên kết quả kiểm tra không chính xác.

Ở nước ta, khoảng 50% học sinh bậc THCS và 30% với bậc tiểu học mắc tật khúc xạ nhưng do bị chẩn đoán sai, phải đeo kính oan nên nhiều em đã bị ảnh hưởng xấu đến thị lực. Cận thị nặng sẽ dẫn đến thoái hóa võng mạc trung tâm, bong võng mạc, lác, glôcôm… thậm chí bị mù.

Nhiều trẻ em, khi đo bên ngoài được kê đơn kính thuốc vì cận thị, thế nhưng khi đến bệnh viện được khám đúng quy trình thì kết quả không phải cận thị mà là "cận thị giả". Cận thị giả chỉ cần có chế độ dùng thuốc, chăm sóc mắt đúng cách là mắt hồi phục. Nhưng khi bị đeo kính cận thì chỉ trong một thời gian ngắn, cận giả sẽ thành… cận thật vì mắt trẻ có thể tự điều chỉnh tật khúc xạ, nếu cho trẻ đeo kính không chính xác sẽ gây bất lợi về lâu dài cho mắt…

…Do kết quả đo thiếu chính xác


Được biết, tại một số trường học, việc kiểm tra thị lực cho học sinh cũng được tiến hành khá thường xuyên song hầu hết đều qua loa đại khái và không đúng quy trình khiến nhiều học sinh phải đeo kính oan dù không bị rối loạn tật khúc xạ. Bên cạnh đó, một số cơ sở kinh doanh kính  thuốc, việc khám mắt, đo, lắp kính cũng cho kết quả thiếu chính xác. Mặc dù Thông tư 07 ngày 25-7-2007 của Bộ Y tế đã quy định, người đứng đầu các cơ sở kinh doanh kính thuốc phải có bằng Trung cấp y trở lên, đã có thời gian hành nghề chuyên khoa mắt ít nhất 2 năm tại các cơ sở khám, chữa bệnh về mắt...

Nhưng theo khảo sát của Bộ Y tế, chỉ có trên 20% cơ sở kinh doanh kính mắt đủ các điều kiện theo quy định. Trên thực tế, việc đo thị lực chính xác không đơn giản chỉ là có bảng chữ kiểm tra, có máy đo thị lực. Cùng một bệnh nhân, nếu đo thị lực ở những thời điểm và điều kiện khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau. Do đó, việc đo thị lực chính xác đòi hỏi phải có phòng kiểm tra đúng tiêu chuẩn và bác sỹ phải có chuyên môn về mắt.

Ở các nước phát triển, bác sĩ chuyên khoa mắt được đào tạo hoàn chỉnh cả phần khúc xạ, và ngược lại, chuyên viên khúc xạ cũng được trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh lý mắt như bác sĩ nhãn khoa. Nhưng ở Việt Nam, vấn đề này vẫn tiếp tục bị thả nổi. Thông thường, một cặp kính thuốc chỉnh đúng với tật khúc xạ phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: Số đo, độ tròng kính và tâm kính. Để không bị kết quả của máy đánh lừa, người đo phải có chuyên môn về khúc xạ cũng như về sinh lý học của mắt. Mặt khác, đa số tròng kính ở Việt Nam được nhập từ Trung Quốc, phần lớn không qua kiểm tra của những cơ quan chức năng…

Theo Bác sỹ Vũ Bích Thủy - Trưởng khoa Mắt trẻ em - Bệnh viện Mắt Trung ương, số trẻ em đến khám cận thị tại bệnh viện có xu hướng tăng. Việc khám cận thị ở trẻ em phải theo đúng quy trình: Nhỏ thuốc liệt điều tiết khoảng 3 tuần để kiểm tra, sau đó mới đo, khám. Theo đề tài của một bác sỹ chuyên khoa 2 mới báo cáo thì hiện nay có khoảng 20% trẻ em phải đeo kính cận oan. Dấu hiệu trẻ có khả năng bị cận thị là nhìn kém, nhìn gần, mỏi mắt...

Đối với trẻ không bị cận mà vẫn phải đeo kính khiến thị lực không tăng, gây nhức mắt, mỏi mắt, dần dần mất thị giác 2 mắt, dẫn đến bị cận thị nặng, bong võng mạc, thậm chí sẽ bị mù. Do đó khi khám thị lực cho trẻ nên  thận trọng, chẩn đoán đúng tật khúc xạ. Khi thấy con mình có biểu hiện mắt nhìn không bình thường, các bậc cha mẹ nên cho con đến cơ sở y tế có uy tín đo khám. Cũng cần nói thêm rằng, với những cháu bé dù có độ cận thấp nhưng nhìn xa kém thì vẫn phải đeo kính…

 Thúy Ngân

Nguồn tin: Theo ANTĐ

Bản gốc: Sức khỏe số - Cận thị giả thành… cận thị thật

No comments:

Post a Comment