Tuesday 22 February 2011

Benh tam than chiem khoang 20% dan so

Số lượt xem: 460
Gửi lúc 12:13' 09/07/2009

Bệnh tâm thần chiếm khoảng 20% dân số

Theo thống kê gần đây của Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương, tỉ lệ người VN có nguy cơ bị bệnh tâm thần một lần trong đời là 15%-20% dân số và đa số đã chữa khỏi hay ổn định.

Theo thống kê gần đây của Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương, tỉ lệ người VN có nguy cơ bị bệnh tâm thần một lần trong đời là 15%-20% dân số và đa số đã chữa khỏi hay ổn định.

 

Môi trường sống cũng dẫn đến tâm thần

 

Các nguyên nhân thực thể gây ra bệnh tâm thần thường gặp là do những tổn thương trực tiếp đến não như nhiễm trùng thần kinh ở những người có bệnh viêm não, viêm màng não hoặc nhiễm độc thần kinh do rượu, các chất gây nghiện, thuốc ngủ... Những người bị chấn thương sọ não hay mắc các bệnh khác ở não (như u não, áp xe não, tai biến mạch máu não…), bệnh lý nội khoa, thuốc men, hay các bệnh cơ thể ảnh hưởng đến hoạt động não (như suy thận mãn, cường giáp, nhược giáp…) cũng có nguy cơ bị tâm thần. Cấu tạo thể chất bất thường và phát triển tâm thần bệnh lý cũng góp phần gây ra các rối loạn như chậm phát triển tâm thần và các rối loạn nhân cách. Đặc biệt, dễ thấy nhất là những trường hợp chậm phát triển tâm thần mà nguyên nhân rất đa dạng như di truyền (hội chứng Down), mẹ bị nhiễm trùng hoặc suy dinh dưỡng khi mang thai, sinh non, sinh hút hoặc trẻ bị ngạt lúc sinh hay sốt cao co giật nhiều lần khi trẻ còn bé... Ngoài ra, còn các vấn đề khác như di chứng tâm thần do tai nạn giao thông, chiến tranh và ô nhiễm môi trường gây ra.


 

Nếu trẻ bị sang chấn hoặc mắc những bệnh gây tổn thương não lúc sơ sinh

có nguy cơ bị tâm thần khi trưởng thành


Vì các yếu tố xã hội có tác động lớn đến cuộc sống con người nên chúng cũng ảnh hưởng lên sức khỏe tâm thần. Thí dụ như  các sự kiện gây stress trong cuộc sống. Sự tiếp xúc lâu dài với môi trường bạo lực, sự ruồng bỏ, sự lạm dụng hay nghèo khổ tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện trầm cảm. Các sang chấn tâm lý hằng ngày như xung đột gia đình tạo thuận lợi cho sự xuất hiện trầm cảm, lo âu. Các thảm họa thiên nhiên lụt lội có thể gây ra phản ứng stress cấp hay rối loạn stress sau chấn thương… Còn nguyên nhân tâm lý góp phần gây ra các rối loạn như các rối loạn ám sợ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu lan tỏa…

 

Di truyền làm tăng nguy cơ tâm thần

 

Qua những nghiên cứu dịch tễ về một số bệnh tâm thần thường gặp trong dân số chung do Bệnh viện Tâm thần TPHCM thực hiện gần đây đã ghi nhận được một số tỉ lệ về bệnh tâm thần. Trong đó, tâm thần phân liệt là một loại bệnh tâm thần nặng và cứ trong 100 người dân thì có 1 người mắc bệnh này.  Bệnh có thể biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau nhưng đều có chung đặc điểm là ảnh hưởng đến các hoạt động tinh thần và về lâu dài có thể làm thay đổi nhân cách của bệnh nhân. Các triệu chứng chính của bệnh là hoang tưởng, ảo thanh, rối loạn khả năng suy nghĩ, mất đi ý muốn làm việc, giảm sự biểu lộ tình cảm và cách ly xã hội. Bệnh thường bắt đầu ở tuổi trẻ và thường kéo dài suốt cả cuộc đời. Bệnh thường khởi phát nhanh với các triệu chứng cấp tính xuất hiện trong vài tuần hay có thể khởi phát chậm dần dần trong nhiều tháng, nhiều năm. Trong thời gian bệnh, bệnh nhân thường trở nên xa lánh những người khác, ít nói chuyện với người thân, trở nên trầm tư, lo âu hoặc hay sợ hãi. Chậm phát triển tâm thần cũng là một bệnh thường gặp trong cộng đồng, chiếm khoảng 1% dân số. Đây là một tình trạng bệnh lý có đặc điểm là khả năng trí tuệ chung thấp hơn bình thường một cách  rõ rệt kèm theo suy giảm đáng kể khả năng thích nghi (như khả năng tự lập và thực hiện các trách nhiệm của xã hội tương ứng với tuổi) và khởi phát bệnh trước tuổi 18. Tình trạng này diễn tiến mãn tính, không có giai đoạn thuyên giảm.

 

Di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc xác định nguy cơ bị các rối loạn tâm thần. Ví dụ tần suất bệnh tâm thần trong dân số chung là 1%, nhưng nếu trẻ có cha hoặc mẹ bị tâm thần phân liệt thì nguy cơ bị bệnh là 12%, trẻ có cả cha và mẹ bị tâm thần phân liệt thì nguy cơ bị bệnh là 40%...

 

Nguyên tắc chung trong điều trị các loại bệnh tâm thần là phối hợp giữa thuốc và tâm lý liệu pháp. Từ năm 1950 đến nay đã có rất nhiều tiến bộ trong việc điều chế ra các loại thuốc mới điều trị bệnh tâm thần ngày càng hiệu quả hơn. Còn về liệu pháp tâm lý thì hiện nay cũng có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh tâm thần như các liệu pháp phân tâm, các liệu pháp nhận thức hành vi, ám thị và thư giãn, các liệu pháp tâm lý nâng đỡ...

 

Theo NLĐ


Bản gốc: Sức khỏe số - Bệnh tâm thần chiếm khoảng 20% dân số

No comments:

Post a Comment