Wednesday 9 February 2011

Ba bau nao khong nen di du lich?

Số lượt xem: 348
Gửi lúc 14:23' 29/07/2010

Bà bầu nào không nên đi du lịch?

Ngày nay, nhu cầu đi du lịch, tham quan của các gia đình, cơ quan đã trở nên phổ biến, trong đó có đối tượng là phụ nữ mang thai. Vậy điều kiện để một phụ nữ mang thai có thể đi du lịch hay không là gì? Đi du lịch ở đâu để an toàn cho cả mẹ và con? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc trả lời câu hỏi đó.

Thai phụ có bệnh lý gì thì không nên đi du lịch?

Một số chống chỉ định tương đối khi phụ nữ mang thai muốn đi du lịch gồm các  yếu tố nguy cơ sản khoa như: tiền sử sảy thai, sinh non, hở cổ tử cung, nhiễm độc thai nghén. Đối với sản phụ trước đây có các bệnh như đái tháo đường, suy tim, thiếu máu nặng, huyết khối nghẽn mạch... cần phải hoãn chuyến du lịch. Các địa danh du lịch có thể gây nguy cơ cao cho sản phụ và thai nhi như vùng núi cao, vùng cần tiêm chủng vaccin virut sống, vùng có dịch sốt rét... là những nơi không nên đến trong bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Bạn cũng phải lưu ý đến một số bệnh đặc biệt như sau:

Bệnh sốt rét: Thai phụ mà bị sốt rét trong thai kỳ có nguy cơ tử vong cao. Bệnh sốt rét có thể xảy ra nặng với các biến chứng như sốt rét thể não, tán huyết ồ ạt và suy thận, thường xảy ra trong thai kỳ. Ảnh hưởng của sốt rét với bào thai gồm sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, sinh non và nhiễm khuẩn bẩm sinh.

 Thai 18-24 tuần là giai đoạn có thể đi du lịch bằng máy bay.

Tiêu chảy: Trường hợp thai phụ bị tiêu chảy, do mất nước có thể làm lưu lượng máu đến rau thai không đủ, vì vậy thai phụ cần đặc biệt lưu ý ăn, uống đầy đủ để đảm bảo dinh dưỡng cho mình và cho thai nhi. Nên ăn chín, uống sôi, dùng nước uống đóng chai hoặc nước đun sôi để nguội, ăn thức ăn nấu kỹ và các sản phẩm sữa được khử khuẩn. Bạn cần tránh dùng các món rau sống, mắm tôm, tép sống, không ăn thịt bò tái và hải sản tái để phòng tránh bệnh tiêu chảy, viêm gan E vì chúng dễ gây biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ.

Điều trị tiêu chảy chủ yếu là bù nước và điện giải. Có thể dùng kết hợp kaolin-pectin và loperamid nếu cần thiết, kháng sinh quinolon bị chống chỉ định trong thai kỳ. Có thể dùng ampicillin, azithromycin hoặc cephalosporin thế hệ ba. Nếu bà mẹ đi du lịch cùng con nhỏ thì nên cho trẻ bú mẹ là chủ yếu, hạn chế cho trẻ ăn thức ăn bên ngoài. Một người mẹ đang điều trị tiêu chảy cũng không nên ngừng cho con bú mà nên tăng cường lượng dịch nhập vào cho người mẹ.

Vấn đề đi máy bay và đến vùng cao

Điều kiện để phụ nữ mang thai có thể đi du lịch

Muốn biết một phụ nữ mang thai có thể đi du lịch hay không, bạn cần dựa vào các yếu tố sau đây: lộ trình chuyến du lịch; tiền sử bệnh tật của thai phụ; chất lượng chăm sóc y tế ở nơi đến du lịch. Theo các chuyên gia y tế thì giai đoạn an toàn nhất trong thai kỳ có thể đi du lịch là ba tháng giữa (từ 18 - 24 tuần), khi đó nguy cơ sảy thai và đẻ non ở mức thấp nhất. Một số bác sĩ sản khoa khuyến cáo thai phụ sau 28 tuần nên ở gần nhà để đề phòng các vấn đề rắc rối xảy ra. Nhưng đối với thai phụ khoẻ mạnh, việc đi du lịch có thể vẫn thực hiện được.

Đi máy bay chở khách không phải là nguy cơ đối với sản phụ khoẻ mạnh hay đối với bào thai. Bởi vì sự nhận oxy của bào thai không bị ảnh hưởng do áp suất trong khoang máy bay giảm nhờ có đường cong phân ly hemoglobin ở bào thai, mức bức xạ cao hơn ở độ cao trên 10.500m không ảnh hưởng đến thai phụ khoẻ mạnh khi đi máy bay. Đặc biệt mỗi hãng máy bay đều có chính sách dành cho phụ nữ mang thai, nếu muốn đi, tốt nhất bạn nên kiểm tra với hãng máy bay khi đăng ký giữ chỗ. Du lịch bằng máy bay nội địa thường được cho phép đến tuần thứ 36 (9 tháng), nhưng du lịch quốc tế bằng máy bay thường giới hạn ở tuần thứ 32 (8 tháng) của thai kỳ.

Những tua du lịch lên các vùng núi cao trên 2.000m, do thiếu thời gian rèn luyện để thích nghi khí hậu, thai phụ có thể bị thiếu oxy. Dấu hiệu nặng nhất và kéo dài nhất là đau đầu, kèm theo các triệu chứng: uể oải, buồn ngủ, chóng mặt, rét run, buồn nôn và nôn, khó thở và tím tái. Sau đó là bừng đỏ mặt, dễ kích thích, khó tập trung, ù tai, rối loạn thị lực, thính lực, chán ăn, mất ngủ, khó thở tăng, đau đầu tăng, nhịp tim nhanh, thở nhanh ngắt quãng, sút cân. Có khi nặng hơn như bị phù phổi và bệnh não. Khi thấy các triệu chứng nói trên phải đưa thai phụ trở lại độ cao thấp hơn và cho thở oxy 2-3 lít/phút.

Như vậy, thai phụ không nên đi du lịch ở những địa danh có độ cao từ 2.000m trở lên. Thai phụ có các bệnh mạn tính như tim mạch, phổi mạn tính, tiểu đường... cũng không nên đi du lịch.

BS. Trần Thanh Tâm


Bản gốc: Sức khỏe số - Bà bầu nào không nên đi du lịch?

No comments:

Post a Comment